3 cấp độ làm việc

0
279

Giống như ăn, làm việc cũng có nhiều cấp độ khác nhau. Cấp độ càng cao thì đẳng của bạn càng cao.

Cấp độ 1: Vừa làm vừa chơi! 

Hồi nhỏ thỉnh thoảng Tony cũng bị la “Học kiểu gì mà vừa học vừa chơi vậy trời?”. Rồi lại tiếp tục la: “Học ra học, chơi ra chơi chứ con!”

Lớn đi làm thì thỉnh thoảng nghe Sếp nhằn “làm việc kiểu gì mà mở cả chục cái màn hình, game, face các kiểu vậy!?”. Xong bị góp ý tiếp “tụi em làm ra làm chơi ra chơi chứ”.

Nếu bạn đang thế này thì tự biết là mình đang level 1 nhé. Tony cũng thế thôi!

Cấp độ 2: Làm ra làm, chơi ra chơi!

Cũng hiểu là giờ nào việc đó nên chuyển qua phấn đầu rành mạch hơn lúc làm việc: viết to do list đầu ngày có thời gian hoàn tất hẳn hoi, tắt hết mấy thứ linh tinh “tút tút” làm phân tâm và chỉ mở nhạc song não giúp tập trung hơn, hạn chế thời gian đi tám lung tung, cài máy nhắc hít thở hô hấp sâu mỗi giờ đồng hồ, ứng dụng “6 mũ tư duy”… Đến giờ chơi cũng tham gia hết mình. Kết quả là đời thay đổi tích cực hơn hẳn: năng suất cao hơn, ăn chơi thoải mái hơn, thỉnh thoảng còn được Sếp khen.

Nhưng không phải lúc nào đời cũng màu hồng, vì thỉnh thoảng cũng không tránh khỏi chuyện đem việc về nhà làm mà trong đầu thấy rất mâu thuẫn: làm sao cân bằng giữa công việc và cuộc sống? Có thật là mình có thể treo cái túi đi làm trước cửa để bước vào nhà mà không mang công việc vào nhà không?

Cấp độ 3: Làm như chơi

Ở cấp độ 2  có vẻ làm như là một công việc, như là một trách nhiệm. Muốn chơi thoải mái thì phải tập trung làm việc cho hiệu quả rồi mới có điều kiện mà chơi. Làm trước rồi hãy chơi.

Vậy nên lên cấp độ 3 này, bạn biến công việc hàng ngày thành thú vui. Và vì thế cả cuộc đời mình chả phải đi làm ngày nào, chỉ toàn là những chơi thôi. Mỗi thách thức mà bạn phải đối mặt trong công việc cứ như là một màn thách thức mà bạn phải chinh phục đầy hứng thú. Tony từng chứng kiến nhiều người thức đến 4:00 sáng để chơi games! Hỏi sao nghiện thế? Bảo vì phải chinh phục tới cùng để qua màn thì mới được đi ngủ. Tony suy nghĩ nếu công việc như chơi games thì quả là vừa chơi sướng, vừa được tiền (lãnh lương). Tại sao không?

Tony cũng đã thử, ở tâm thế người đi làm và người làm chủ, nên thử gợi ý nhé:

  1. Nếu bạn là người làm thuê, hãy tìm một công việc mà mình yêu thích. Bạn có thể làm bằng cả đam mê và nhiệt huyết và công việc này bạn có sở trường, tự tin. Khi như vậy, công việc hàng ngày đối với bạn thì như dạo chơi (vì bạn giỏi mà, có áp lực gì đâu, bạn là người chủ động tạo ra những thách thức mới cho mình) và cuộc dạo chơi này đúng ở địa điểm bạn thích thú (vì bạn thích nó mà!)
  2. Nếu bạn là người chủ, trước hết hãy tìm cho mình lý do mà mình muốn khởi nghiệp, muốn công ty phát triển và lớn mạnh. Hãy chắc chắn rằng đó không phải là kiếm tiền. Vì nếu chỉ đơn giản là vậy, bạn sẽ rất dễ bỏ cuộc giữa chừng (vì sẽ quay lại hỏi “kiếm tiền sao mà cực khổ vậy, mình cũng có xài hết đâu?”) và cũng không có ai “tầm cỡ” mà theo bạn. Khi có lý tưởng đủ mạnh mẽ và lớn lao, công việc sẽ như một hành trình. Mà hành trình thì phải luôn đủ sắc màu, cảm xúc: thách thức, chinh phục, thành công, và lại tiếp nối trên một tầm cao mới. Vậy nên, làm chủ thật ra cũng như cuộc dạo chơi vậy!

Bài học của Tony:

  1. Ai cũng đều trải qua các cấp độ của tâm thế làm việc. Tiến lên cấp độ cao càng sớm thì đời mình càng tự do, phơi phới.
  2. Làm điều mình yêu thích thì sẽ luôn thăng hoa, và vì vậy giàu thì chưa chắc, nhưng muốn nghèo cũng khó đấy! Muốn đủ là đủ, chỉ cần giữ cuộc sống đơn giản, định nghĩa niềm vui của mình sao cho đơn giản, dễ đạt được, không phụ thuộc vào tài chính. Được như vậy thì giàu để làm gì nhỉ?

 

Nếu bạn cảm thấy có giá trị với ai đó, hãy chia sẻ cho nhiều người khác nhé! 

Kiến thức là để cho đi mà!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here