Bí kiếp học tiếng Anh: đặt mình vào tình huống phải học

0
225

Lúc Tony vào đại học, trường của Tony thông báo: Sinh viên nào học tiếng Nga hay tiếng Pháp thì học từ đầu, tiếng Anh thì học tiếp chương trình đã học lúc phổ thông và phải thi để xếp lớp theo trình độ. Nhiều bạn chọn tiếng Nga, tiếng Pháp vì nghĩ rằng học lại từ đầu sẽ có lợi thế về điểm cho việc xét học bổng từng năm và chọn ngành sau đó.

Song anh của Tony lại bảo rằng:

“Giờ mà học tiếng Nga, tiếng Pháp làm gì? Không xài được đâu”

Tony trả lời:

“Em học tiếng Nga lúc phổ thông mà, tiếng Anh có biết chữ nào đâu mà học tiếp. Với lại còn phải thi xếp lớp nữa, biết gì mà thi?”

Anh lại bảo:

“Chú yên tâm. Anh nhờ bạn thi cho”

Thì ra bạn của anh học khoa ngoại thương trước 3 khóa, giỏi tiếng Anh. Kết quả thi Tony đứng gần đầu bảng và được xếp vào lớp Trình Độ 1 (trình độ cao). Và từ đó, Tony đã có một học kỳ đầy ác mộng với tiếng Anh. Mỗi bài khóa đều nằm trong cuốn từ điển 100%, nối dài suốt học kỳ.

Để tăng tốc học tiếng Anh, Tony đăng ký học tại Trường ĐH Sư Phạm Tp.HCM (CN An Dương Vương), chương trình Streamline English với lịch dày đặc:

Thứ 2-4-6:  17:00 – 19:00: Lớp 1; 19:00 – 21:00: Lớp 2

Thứ 3-5-7:  17:00 – 19:00: Lớp 3; 19:00 – 21:00: Lớp 4

(Cùng một thời điểm Tony học 4 khóa khác nhau, và sắp xếp kiến thức lại)

Sau 2 tháng miệt mài, Tony tốt nghiệp cả 4 khóa cùng lúc và thi lấy được bằng A tiếng Anh, mà nếu học bình thường từng khóa thì mất đến 8 tháng. Tony xài chiêu này tiếp và 2 tháng tiếp theo thi lấy bằng B. Lấy bằng B xong là Tony nhẹ nhàng hơn với chương trình tiếng Anh ở trường rất nhiều. Qua năm 2 thì Tony cũng lấy luôn được bằng C.

Tất nhiên, lúc đó chỉ toàn là học chui. Đến độ thầy giáo vì dạy nhiều khóa cùng lúc nên rất là ngạc nhiên khi thấy Tony xuất hiện khắp nơi, thầy còn thương tình tặng cho cái Biên Lai đóng học phí để thoát nạn mỗi khi có người vào lớp kiểm tra xem có ai học chui không. (Thời đó tình hình sinh viên học chui khá phổ biến. Giờ nghĩ lại Tony cũng thấy mắc cỡ quá!)

Thời đó, Tony có cái máy Cassette nhỏ và headphone để nghe tiếng Anh, có chế độ auto reverse (chạy hết băng thì chạy ngược lại, và cứ thế). Tối học về, Tony nghe băng Streamline English. Cũng vì quá mệt nên nghe 1-2 bài là dần dần chìm vào giấc ngủ, tiếng máy và tiếng ngáy song hành cùng nhau đến sáng! Kỳ lạ thay, tầm 2 tháng sau, khả năng nghe và nói của Tony lên rất nhanh, cứ như ở đâu trong đầu chui ra vậy, thuộc lòng hết luôn 80 bài trong cuốn Streamline. Mãi sau này Tony mới biết là khi ngủ, chỉ có ý thức ngủ, tiềm thức vẫn hoạt động và tiếp tục tiếp nhận những thông tin vào não bộ. Thông tin lưu trữ ấy sẽ được sử dụng như một loại phản xạ. Mà ngôn ngữ thật ra cũng là dạng phản xạ. Sau này Tony nghiên cứu sâu các phương pháp khai thác và sử dụng tiềm thức để phát huy năng lực não bộ mà nếu bình thường con người chỉ sử dụng hơn 10%. Và phương pháp đó là gi và cách thức hoạt động ra sao thì Tony sẽ chia sẻ với bạn sau nhé!

 Từ hành trình học tiếng Anh kiểu “bất thường” này, Tony rút ra 2 điều:

  1. Khi đặt mình vào một tình huống áp lực, bạn sẽ có thêm động lực để thực hiện nó. Do vậy, muốn có thành tích cao, cứ thử tạo cho mình thêm chút áp lực! 
  2. Bạn có thể ngủ nhưng tiềm thức thì không. Tiềm thức giúp bạn ghi nhớ một lượng lớn kiến thức mà chính bạn cũng không ngờ đến, hãy tận dụng nó một cách thông minh.

 

Nếu bạn cảm thấy có giá trị với ai đó, hãy chia sẻ cho nhiều người khác nhé! 

Kiến thức là để cho đi mà!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here