Tony có cái may mắn là trải nghiệm được nhiều trong cả 2 vai trò: người đi xin việc “chuyên nghiệp” và nhà tuyển dụng “khó nhằn”.
Đơn giản là với “bề dày” đi làm thuê cho 10 công nước ngoài, 5 công ty Việt Nam… Tony chắc phải tham dự phỏng vấn xin việc cỡ hơn 100 lần, trong đó có nhiều công ty đơn giản đến phỏng vấn để xem mình đang đáng giá bao nhiêu trên thị trường lao động!?
Và với vai trò là quản lý cấp cao, và cùng khởi nghiệp 3 lần, Tony cũng phải phỏng vấn và đưa ra các quyết định tuyển dụng với vài trăm trường hợp trong đời (chỉ vài trăm vì rất nhiều trường hợp tuyển dụng được phân quyền mà không cần đến phần của Tony)
Và câu chuyện về deal lương thế nào luôn là đề tài mà nhiều người hỏi nhất, nên Tony sẽ chia sẻ một góc nhìn cá nhân để các bạn thử ngẫm nhé!
“Bạn mong đợi mức lương bao nhiêu?” – Đây là câu hỏi thường Tony sẽ đặt ra khi coi như ứng viên này được chọn vào “final list”. Câu hỏi này không chỉ đơn giản là để thương lượng lương mà là kiểm tra mindset của ứng viên có phù hợp với văn hóa và vị trí ứng tuyển hay không! Lưu ý là có yếu tố “vị trí ứng tuyển” nhé! Mỗi vị trí ứng tuyển đỏi hỏi một phong cách hành vi và mindset có thể khác nhau và tất nhiên mindset này không vi phạm các giá trị văn hóa của Công ty
Trả lời cho câu hỏi này, ứng viên thường có 3 đáp áp khác nhau:
- Lương với em không quan trọng lắm, em làm vì yêu thích công việc này. Do vậy, tùy theo thang lương của Công ty đối với vị trí này thôi ah!
Giải mã ban đầu: Chắc không đó!? Muốn có việc vì đang ế quá đây, chắc tìm chưa ra việc bữa giờ?! Hay là “nhà có điều kiện” nên làm cho vui chăng? Thiếu động lực kiếm tiền? Người không có động lực kiếm tiền khi mà hiện trạng chưa tạo ra tiền thì rất dễ nghỉ việc! Có thể chưa tự tin lắm với năng lực của chính mình!
Với những giải mã này, chắc chắn sẽ có hàng loạt các câu hỏi khác để yêu cầu chứng minh cho cái sự yêu thích công việc… lên trên cả động lực kiếm tiền và năng lực thực hiện công việc. Và nếu bạn chọn phương án này, chắc chắn sẽ cần chuẩn bị cho điều đó!
- Hiện mức lương của chỗ hiện tại của em là 20 triệu. Do vậy, em đề nghị mức lương 25 triệu nếu làm ở đây.
Giải mã ban đầu: Rất tự tin, đang có việc bên kia và chắc cũng chưa muốn nghỉ lắm, hoặc cũng đã có sẵn cái offer khác trong tay rồi!? Làm việc vì tiền, và đưa ra yêu cầu từ phía bản thân nhưng thiếu cân nhắc liệu Công ty có khả năng trả hay sẵn sàng trả hay không? Chưa thấy thể hiện sự yêu thích công việc khi trả lời câu hỏi này… Tính cách sòng phẳng theo kiểu “đòi hỏi trước, làm sau”. Chưa thể hiện sự hứng thú với vị trí này. Tony có một nguyên tắc khi giao việc cho ai đó là “muốn làm, quyết làm, mới cho làm”. Vì chỉ khi “muốn làm, quyết làm thì mới biết làm hoặc tìm cách để biết làm”.
Với giải mã này, chắc chắn sẽ bị hỏi tiếp những câu trực diện để xác định hiện trạng của sự tự tin đó (do năng lực hay có sẵn offer hay chưa muốn nghỉ chỗ hiện tại) và mức độ yêu thích công việc này. Các câu hỏi khác nữa để xác định lại giá trị văn hóa của ứng viên để cân nhắc thêm về tính phù hợp với phong cách hành vi này. Với các vị trí thuộc các bộ phận hỗ trợ, tính cách này có thể không phù hợp!
- Em tự tin với mức lương 25 triệu. Tuy nhiên, em rất hứng thú và quyết tâm có được công việc này nên sẵn sàng chấp nhận thương lượng một mức lương phù hợp với chính sách chung của Công ty, để có cơ hội chứng minh là em xứng đáng hơn mức em đề nghị. Và khi em chứng minh được điều này, em mong sẽ có cơ hội được trao đổi lại về lương!
Giải mã ban đầu: Khéo léo, biết người biết ta. Có thể hiện sự hứng thú đối với công việc này nên có thể sẽ có mức độ cam kết cao. Chủ động tự đặt ra cho mình mục tiêu là chứng minh sự xứng đáng, và cũng tự tin đề nghị thương lượng lại lương khi đã chứng minh được => Kiểu người “làm được việc trước, đòi hỏi sau” => Có thể tự tạo ra động lực tiến lên phía trước và ít cần sự tác động của cấp trên.
Tất nhiên, phòng trường hợp ứng viên đọc bài này nên áp dụng triệt để, Tony cũng sẽ có cách để hỏi tiếp và khai phá đến cùng chân tướng…! hehe!
Đây là góc nhìn của Tony với vai trò là nhà tuyển dụng “khó nhằn”. Nếu bạn là nhà tuyển dụng, bạn sẽ thích cách trả lời nào nhất?
Bài học của Tony:
Đời đi làm thuê của Tony trải qua 28 năm làm việc và hơn 20 lần deal lương: khi phỏng vấn và sau khi làm một thời gian sau đó. Kết quả cho thấy là cứ làm hết sức bằng đam mê, nổ lực và tập trung đóng góp cho tổ chức, chuyện lương bổng sẽ luôn là một kết quả xứng đáng! Và tất nhiên, bạn cũng sẽ cần áp dụng vài chiêu thức để “nhắc nhớ nhẹ nhàng” về chuyện tăng lương, và việc này sẽ cần một “thuật truyền thông” mang tính “seeding”. Vụ này Tony sẽ trao đổi riêng nhé! J
Trong ngắn hạn như lúc phỏng vấn, tất nhiên, bạn sẽ cần chút EQ để “biết người biết ta” mà xác định cách deal lương phù hợp nhất, vì đơn giản không phải nhà tuyển dụng nào cũng theo kiểu “khó nhằn” như Tony.
Nếu bạn cảm thấy có giá trị với ai đó, hãy chia sẻ cho nhiều người khác nhé!
Kiến thức là để cho đi mà!