Trong điều hành & điều tiết nền kinh tế của đất nước, một trong những chính sách thường được Chính Phủ sử dụng đó là Chính Sách Tài Khóa, bên cạnh Chính Sách Tiền Tệ.
Hãy lướt qua để có thêm thông tin cùng Tony nhé!
Chính Sách Tài Khóa (fiscal policy) trong kinh tế học vĩ mô là chính sách thông qua chế độ thuế và đầu tư công để tác động tới nền kinh tế. Chính sách tài khóa cùng với Chính Sách Tiền Tệ (monetary policy) là 2 chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng, nhằm ổn định và phát triển kinh tế.
Chính sách tài khóa mở rộng (hay nới lỏng)
Khi nền kinh tế đang ở tình trạng suy thoái, nhà nước có thể giảm thuế, tăng chi tiêu (đầu tư công) để kích thích, vực dậy nền kinh tế. Chính sách tài khóa lúc này gọi là chính sách tài khóa mở rộng (hay nới lỏng). Việc miễn giảm các loại thuế phí, có thể tạo ra nguồn lực tài chính giúp doanh nghiệp và cá nhân có thể duy trì và gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng chi tiêu, góp phần vực dậy tăng trưởng kinh tế
Một ví dụ của Chính sách tài khóa mở rộng tại Việt Nam có thể thấy là: Do ảnh hưởng nặng nề của Covid 19, Bộ Tài Chính đã có tờ trình phê duyệt chủ trương xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
- Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, đề nghị gia hạn 3 tháng.
- Đối với các hộ, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 trong các ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn.
- Đối với tiền thuê đất, bộ đề nghị gia hạn đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc đối tượng được giảm.
Ngoài ra, các hoạt động chi tiêu công có thể sẽ cân nhắc sau giai đoạn dịch để giúp giữ được tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, một lưu ý rằng chính sách tài khóa mở rộng nếu không được Chính phủ kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn đến hình thành lạm phát sau đó.
Chính sách tài khóa thắt chặt
Ngược lại, khi nền kinh tế ở tình trạng lạm phát cao và có hiện tượng phát triển nóng, thì nhà nước có thể tăng thuế và giảm chi tiêu của mình để ngăn cho nền kinh tế khỏi rơi vào tình trạng quá nóng dẫn tới đổ vỡ. Chính sách tài khóa như thế này gọi là chính sách tài khóa thắt chặt.
Hiểu đơn giản, vai trò của chính sách tài khóa thắt chặt là khi Chính phủ giảm chi tiêu công –> Kinh tế tăng trưởng chậm lại + Tăng thuế lên cao –> Người dân có ít tiền hơn –> Nhu cầu chi tiêu giảm sút -> Trong ngắn hạn cung chưa kịp điều chỉnh nên giá cả sẽ giảm xuống => Sản xuất sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu => Kiểm soát lạm phát
Các công cụ điều tiết của Chính sách Tài Khóa
Các công cụ của chính sách tài khóa bao gồm các công cụ về thuế, công cụ chi tiêu, và công cụ tài trợ cho thâm hụt ngân sách.
Thuế: Có nhiều loại thuế khác nhau chẳng hạn như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bất động sản, v.v… nhưng tựu trung lại có thể chia ra làm hai loại thuế là thuế trực thu (direct taxes) và thuế gián thu (indirect taxes):
- Thuế trực thu là thuế đánh trực tiếp lên tài sản và/hoặc thu nhập của người dân
- Thuế gián thu là thuế đánh lên giá trị của hàng hóa, dịch vụ trong lưu thông thông qua các hành vi sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế.
Công cụ chi tiêu của chính phủ: Cũng hết sức đa dạng nhưng cũng có thể tạm chia thành hai phần chính:
- Chi tiêu thường xuyên (chẳng hạn như chi lương cho công chức, chi cho các hoạt động giáo dục, y tế, khoa học-công nghệ, an ninh-quốc phòng)…
- Chi đầu tư phát triển (chẳng hạn như chi xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội).
Hạn chế của chính sách tài khóa tài khóa
- Trong nền kinh tế mở, hiệu quả của chính sách tài khóa phụ thuộc vào chế độ tỷ giá hối đoái. Nếu là chế độ tỷ giá hối đoái cố định, chính sách tài chính sẽ phát huy hiệu quả. Còn nếu là chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi, chính sách tài khóa sẽ không có hiệu lực do những thay đổi tỷ giá gây ra bởi chính sách tài chính sẽ triệt tiêu hiệu quả của chính sách.
- Có độ trễ trong phát huy hiệu quả của chính sách tài khóa mở rộng. Thông thường mất khoảng 6 đến 12 tháng thì Chính phủ mới đủ số liệu đáng tin cậy để nhận ra sự thay đổi tổng cầu của thị trường. Sau đó Chính phủ muốn thực hiện chính sách tài chính mở rộng bằng cách tăng chi tiêu chính phủ thì nhiều trường hợp cần được quốc hội thông qua, do vậy cũng sẽ mất thời gian chờ đợi quốc hội xem xét trước khi thực hiện.
- Khi kinh tế suy thoái thì nguồn thu từ thuế thấp, việc áp dụng chính sách tài khóa mở rộng để kích thích kinh tế thông qua giảm thuế và tăng chi tiêu công sẽ làm gánh nặng thêm nợ chính phủ
- Việc tăng hay giảm chi tiêu ngân sách luôn là một nhiệm vụ khó khăn vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các tầng lớp dân cư.
—————–
1 – Thuế là một khoản tài chính bắt buộc hoặc một số loại thuế khác áp dụng cho người nộp thuế (một cá nhân hoặc pháp nhân) phải trả cho một tổ chức chính phủ để tài trợ cho các khoản chi tiêu công khác nhau
2 – Đầu tư công là các khoản chi tiêu, đầu tư hoặc thanh toán định kỳ của chính phủ để cung ứng hàng hóa công cộng, chẳng hạn như khi chính phủ bỏ tiền vào phát triển đường sá, trường học, quân sự, v.v…
4 – Tỷ giá hối đoái (còn được gọi là tỷ giá trao đổi ngoại tệ) giữa hai tiền tệ là tỷ giá mà tại đó một đồng tiền này sẽ được trao đổi cho một đồng tiền khác. Nó cũng được coi là giá cả đồng tiền của một quốc gia được biểu hiện bởi một tiền tệ khác.
– ThaisonCoach.com –
Nguồn tham khảo & trích dẫn:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%ADnh_s%C3%A1ch_t%C3%A0i_kh%C3%B3a
https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi_ti%C3%AAu_ch%C3%ADnh_ph%E1%BB%A7
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%B7_gi%C3%A1_h%E1%BB%91i_%C4%91o%C3%A1i
https://vi.wikipedia.org/wiki/Thu%E1%BA%BF
https://topkinhdoanh.com/chinh-sach-tai-khoa-mo-rong/
Nếu bạn cảm thấy có giá trị với ai đó, hãy chia sẻ cho nhiều người khác nhé!
Kiến thức là để cho đi mà!