Bắt đầu hành trình đầu tư, hẳn là bạn sẽ quan tâm đến thời điểm phù hợp để đầu tư và nên chọn kênh đầu tư nào? Vậy thì trước hết hãy lướt qua tìm hiểu về Chu Kỳ Kinh Tế – nền tảng quan trọng đầu tiên để trả lời câu hỏi khi nào là lúc phù hợp để đầu tư!
Hãy cùng Tony khám phá nhé!
Trong gần hai thập kỷ, GDP thực của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ trung bình 7% một năm. Nhưng tăng trưởng không diễn ra đều đặn, mà có những giai đoạn cao hơn 8% như năm 2007, và những giai đoạn chậm lại dưới 6% như năm 2009. Tất cả nền kinh tế đều trải qua các giai đoạn tăng trưởng nhanh xen kẽ với giai đoạn tăng trưởng chậm, hay còn gọi là suy thoái. Các nhà kinh tế gọi sự thay đổi ngắn hạn của sản lượng này là các chu kỳ kinh tế. Mặc dù gọi là “chu kỳ” khiến ta có cảm giác sự thăng trầm này diễn ra đều đặn và có thể dự báo được, trên thực tế, chu kỳ kinh tế diễn ra rất không đều đặn, và khó có thể dự báo. Tăng trưởng nhanh thường đi kèm với mức việc làm cao hơn, hay tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn, đặc biệt trong khu vực công nghiệp chế tạo và xây dựng. Khi tăng trưởng nhanh cả con người và máy móc đều hoạt động hết tốc lực. Giá cả thường tăng nhanh hơn khi sản lượng tăng trưởng mạnh. Ngược lại, trong thời kỳ suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng, mức độ sử dụng các nguồn lực giảm đi, và giá cả có thể dừng hoặc giảm (giảm phát). Một số thông tin cơ bản dưới đầy để bạn có một bức tranh tổng thể và đơn giản nhất về Chu Kỳ Kinh Tế…
1. Chu kỳ kinh tế là gì?
Chu kỳ kinh tế là tổng hợp những biến động tự nhiên của nền kinh tế giữa những giai đoạn tăng trưởng và suy thoái. GDP (Tổng sản phẩm quốc nội), lãi suất, tỷ lệ công ăn việc làm, chi tiêu tiêu dùng,… đều là những chỉ báo giúp chúng ta đánh giá xem nền kinh tế đang ở giai đoạn nào. Mời bạn tham khảo chi tiết thêm ở bài Đồng Hồ Chu Kỳ Kinh Tế nhé!
2. Cấu trúc một chu kỳ
Chu kỳ kinh tế chia làm 4 pha chính: suy thoái, khủng hoảng, phục hồi và hưng thịnh.
Trong những pha tăng trưởng, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, lãi suất thường thấp, sản xuất tăng và lạm phát thấp. Đỉnh cao tăng trưởng đạt đến khi thị trường đã phát triển hết tiềm năng của nó.
Ngược lại, trong những pha sụt giảm, tăng trưởng chậm dần, thất nghiệp tăng, sản xuất đình đốn. Thị trường rốt cục sẽ chạm đáy và bắt đầu hồi phục trở lại, bắt đầu một chu kỳ kinh tế mới.
3. Độ dài của một chu kỳ kinh tế
Với nền kinh tế Việt Nam, vẫn còn nhiều tranh cãi về việc xác định các mốc trong chu kỳ kinh tế do không có các quy chuẩn thật sự rõ ràng.
Với nền kinh tế Mỹ, bằng cách dựa vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Phòng nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER) đã đặt được các mốc chính xác cho chu kỳ kinh tế Mỹ. Từ năm 1950 đến nay, trung bình một chu kỳ kéo dài 5 năm rưỡi. Tuy nhiên, độ dài mỗi chu kỳ lại khác xa nhau, từ 18 tháng đến trên 10 năm.
4. Kiểm soát chu kỳ kinh tế
Chu kỳ kinh tế được đồng thời kiểm soát bởi chính phủ và ngân hàng trung ương. Chính sách tài khóa là công cụ đắc lực nhất trợ giúp chính phủ trong vấn đề này. Để chấm dứt khủng hoảng, chính phủ mở rộng chính sách tài khóa. Ngược lại, chính phủ cũng cân nhắc thắt chặt chính sách này khi thị trường đã đi quá đà.
Cùng mục đích đó, ngân hàng trung ương sẽ dùng các chính sách tiền tệ. Khi chu kỳ gần chạm đáy, ngân hàng trung ương hạ lãi suất hoặc sử dụng chính sách tiền tệ mở rộng và ngược lại để ngăn các pha tăng trưởng chạm đỉnh.
5. Lý giải chu kỳ kinh tế
Cho đến nay, đây vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi. Dưới đây là một số học thuyết nổi bật giải thích và đề xuất giải pháp cho vấn đề muôn thuở này:
• Chủ nghĩa Keynes cho rằng chu kỳ kinh tế hình thành do thị trường không hoàn hảo, khiến cho tổng cầu biến động mà thành. Do đó, biện pháp chống chu kỳ là sử dụng chính sách quản lý tổng cầu.
• Các trường phái theo chủ nghĩa kinh tế tự do mới thì cho rằng sở dĩ có chu kỳ là do sự can thiệp của chính phủ hoặc do những cú sốc cung ngoài dự tính. Vì thế, để không xảy ra chu kỳ hoặc để nền kinh tế nhanh chóng điều chỉnh sau các cú sốc cung, chính phủ không nên can thiệp gì cả.
Tuy vậy, cho dù mỗi lý thuyết trên đây đều có tính hiện thực, không có lý thuyết nào tỏ ra đúng đắn ở mọi lúc, mọi nơi.
Vậy thì làm sao để nhận biết nền kinh tế đang ở giai đoạn nào của Chu Kỳ Kinh Tế và tại mỗi giai đoạn, việc đầu tư sẽ được cân nhắc như thế nào…, mời bạn tham khảo các bài tiếp theo:
• Chu Kỳ Kinh Tế và Bất Động Sản
• Đồng hồ Đầu tư
Nguồn tham khảo & trích dẫn:
• https://fsppm.fulbright.edu.vn/cache/MPP04-512-LN09V-2012-02-09-10112563.pdf
• Investopia/sic-ftu
Nếu bạn cảm thấy có giá trị với ai đó, hãy chia sẻ cho nhiều người khác nhé!
Kiến thức là để cho đi mà!
Coach Tony Thái Sơn
Doctor of Business Administration
Master of Development Economics
Business Coach – ActionCOACH
tonythai@actioncoachcbd.com
Tel.: 091 908 1356