Công thức cho sự thay đổi

0
523

Trong đời có nhiều chuyện Tony quyết tâm thay đổi, rồi kết quả là có cái làm được, có cái hết thề rồi thốt, cuối cùng lại đâu về đó. Đời cứ cuốn đi khiến Tony bỏ qua nhiều cơ hội để tự mình tìm kiếm phương pháp, bí kiếp hay ho nào đó…! Giờ thì Tony đã biết và hy vọng các bạn sẽ biến “đường dài của Tony thành đường tắt của bạn” nhé.

Hãy bắt đầu bằng câu hỏi “Tại Sao (WHY) chúng ta cần phải thay đổi?”

Đơn giản vì ta đang sống trong một thế giới đang chuyển động từng ngày, hay nói một cách “ít tích cực” thì là thế giới đang biến động từng ngày, một thế giới VUCA: Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity).

Thử tưởng tượng, mọi thứ xung quanh thay đổi còn ta “vũ như cẫn” thì chuyện gì sẽ xảy ra? Ngay cả cái “bình thường” thì bây giờ đã thành “bình thường mới” kìa!

Vậy, chúng ta cần phải thay đổi để có thể “sống sót”, để “không bị đào thải” và để “sống tốt hơn”. Tony rất thích thú với ví dụ điển hình mà chắc các bạn cũng đã nghe. Nếu bỏ 1 con ếch vào nồi nước sôi, nó sẽ nhảy ra ngay lập tức và sống sót. Nhưng nếu bỏ nó vào nồi nước lạnh và đun lên. Con ếch sẽ khoái chí sự mát mẽ, rồi ấm áp…và cuối cùng khi chợt nhận ra thì đã bị luột chín nhừ, góp phần cho nồi lẩu ếch. Con ếch đã không nhận ra sự thay đổi nhỏ. Con người cũng vậy thôi! Hãy tưởng tượng nếu bạn thức dậy và bị tăng 10 cân, bạn hẳn sẽ hoảng hốt và gọi bác sĩ, đến bệnh viện để tìm cách đưa mình về bình thường lại. Nhưng nếu mỗi ngày trôi qua, bạn chỉ tăng 200gram và bạn tự thuyết phục mình là “bình thường thôi” thì chỉ cần chưa đầy 2 tháng sau, bạn chợt phát hiện mình cũng đã tăng 10 cân.

Có người chọn sự thay đổi một cách chủ động, đón đầu, như là một lối sống. Có người chỉ thay đổi khi trước một tình huống ngặt nghèo, hay từ một nghịch cảnh nào đó…buộc họ phải thay đổi.

Thử lấy 1 ví dụ là thay đổi một thói quen hút thuốc chẳng hạn. Cả 2 người đều ý thức rất rõ hút thuốc có nguy cơ gây ung thư phổi, không sớm thì muộn. Anh A đã chủ động từ bỏ trước khi quá muộn. Anh B không thể thay đổi thói quen này, và chỉ đến khi bác sĩ phát hiện nguy cơ trong phổi và cảnh báo rằng “nếu không từ bỏ hút thuốc, ung thư sẽ phát tác trong vòng 3 tháng tới…”. Quá hoảng hốt, Anh B lập tức thay đổi thói quen và bỏ thuốc lá. Bạn thuộc loại nào? Chủ động thay đổi hay bị ép buộc mới thay đổi? Và tại sao có người này, người kia? Bí quyết là gì? Làm sao để ta có thể chủ động thay đổi? Làm sao để ta thay đổi dễ dàng và thành công?

Bí quyết nằm ở chỗ bạn vận dụng được công thức cho sự thay đổi này mà Tony mới học được từ Brad Sugars – nhà sáng lập ActionCOACH với 1000 văn phòng nhượng quyền trên toàn cầu. Tất nhiên có nhiều công thức khác để giúp bạn thay đổi một cách chủ động, nhưng Tony thấy công thức này có vẻ rõ nhất!

(D x V) + F > R

Dịch ra là:

(Nỗi đau x Tầm nhìn) + Các bước hành động đầu tiên  > Lực cản

Đầu tiên, hãy bắt đầu với Lực cản, hay sức ì.

Đó chính là “ngại thay đổi” do phải bước ra khỏi vùng an toàn, vùng thoải mái, những thứ quen thuộc, những thứ mà ta tự tin, ta biết, những mối quan hệ thân quen, những thói quen cố hữu… Đó là nổi sợ sẽ có vô số những chướng ngại vật, cản trở, và những bất ngờ không mấy thú vị sẽ xảy ra khi thay đổi!

Con người thường có khuynh hướng phủ định những gì họ không biết, không hiểu, và cả những gì họ cảm thấy không thoải mái. Do vậy khi thuyết phục ai đó, bạn phải giảm sự đề phòng của họ. Ta phải khiến họ cảm thấy thoải mái, kiểu như lái thử xe vậy để họ cảm thấy nhẹ nhàng.

Việc đầu tiên bạn cần làm là giảm Lực cản này xuống. Bằng cách nào?

Hãy luôn nhớ câu này Khi thay đổi, chúng ta có thể mất những thứ tốt đẹp mà ta đang có, nhưng chúng ta có thể có được những thứ tốt đẹp hơn”.

Theo thống kê cho thấy trong số 100 người dấn thân thay đổi, 80 trong số đó có được cuộc sống tốt hơn sau thay đổi và chỉ có 20 còn lại có cuộc sống tệ hơn, nhưng sau họ tiếp tục thay đổi và sau đó lại tốt lên trở lại.

Kế tiếp, là Nỗi đau (Disatisfaction). Động lực cho sự thay đổi là bạn đang trong tình huống rất đau khổ, mệt mỏi, bất mãn với hiện trạng của mình. Có người “cày như trâu” không có thời gian nghỉ ngơi, và trớ trêu là họ chấp nhận điều đó và tự bào chữa rằng “cày = chăm chỉ”. Có người thu nhập đang thấp, nhưng lại cam chịu và hy vọng sẽ được tăng lương. Có người quá ký đến 10 cân mà lại tự thuyết phục mình “béo mới xinh”. Động lực thay đổi trong những tình huống này là số không rồi. Họ không bất mãn với hiện tại nên họ đã triệt tiêu động lực để thay đổi. Vậy thì, nếu là bạn, hãy làm nó nghiêm trọng lên, bằng cách vẽ ra, tập trung vào những hậu quả nếu như bạn không chịu thay đổi. Cũng như thế, nếu bạn muốn người khác thay đổi, hãy tìm, xoáy sâu và khiến người đó bất mãn với hiện tại của họ. Hãy làm cho họ thấy rằng “đúng là nó thật sự không ổn tí nào như mình nghĩ”. Hãy đẩy biến số này lên mức tối đa.

Tiếp theo, là Tầm nhìn (Vision). Con người sẽ không hành động nếu không biết làm việc đó để được gì. Do vậy, bạn cần luôn xác định rõ mục tiêu của mình là gì nếu bạn muốn thay đổi. Kiểu như “tôi thấy bất mãn đó, nhưng vậy còn hơn là bước ra ngoài vùng an toàn mà chả biết được gì không”. Do vậy, bạn cần vẽ ra được một viễn cảnh tươi sáng, lung linh, hấp dẫn mà bạn sẽ nhận được nếu thay đổi. Hãy để trí tưởng tượng bay xa, bung lụa nhất có thể. Và có thể bạn sẽ tự hỏi làm sao có thể vẽ được một tầm nhìn khi mà bạn chưa biết rõ nó thế nào, khi bạn chỉ có thể nhìn được tới đó? Lời khuyên của Tony là bạn sẽ cần đọc sách nhiều, quan sát, học hỏi nhiều, trải nghiệm nhiều, hoặc bạn cũng có thể cần cho mình một người thầy để chỉ dẫn thêm. Và lúc đó bạn sẽ biết rõ bạn sẽ muốn đi đến đâu trong tầm nhìn của bạn. Bạn cần nhìn xa hơn nơi mình đang đứng! 

Lưu ý là trong công thức (Nổi đau x Tầm nhìn) là dấu “x” nhé, nghĩa là, nếu mỗi biến số bằng “0” thì coi như xong phim. Bạn cần đẩy cả 2 biến số này lên một cách hài hòa, cao nhất có thể và phải >0.

Cuối cùng là Các bước hành động đầu tiên (First actions). Hãy thể hiện sự sẵn sàng thay đổi của bạn bằng một hành động ngay và luôn. Ví dụ như một kế hoạch chi tiết (để ép mình phải hành động), một tuyên bố (để khỏi nuốt lời), một hành động gắn liền với trách nhiệm (đóng tiền để cảm thấy tiếc / hối hận nếu bỏ)… Nhắc đến đây mới nhớ một câu chuyện mà chắc Tony nghĩ các bạn cũng hay gặp. Tony có nhóm bạn thân ở Quy Nhơn. Mỗi lần tết, hè gặp lại, ly vào chén ra, ngà ngà cả đám là nỗi hứng hứa hẹn hoành tráng, tinh thần quyết tâm ngút ngàn rằng cả nhóm, không sót thằng nào, sẽ cùng làm tour du lịch hè chỗ này chỗ kia…và kết quả là vài ngày sau nhắc lại thì đứa nào cũng ụm à và…game over. Tony rút kinh nghiệm cho các lần sau bằng cách áp dụng chiến thuật “hành động ngay”. Ở giữa cao trào hứa hẹn, Tony đề nghị chuyển khoản mỗi nhà 20 triệu vào tài khoản và nếu không đi coi như đám còn lại tùy nghi sử dụng. Kết quả là các nhà đông đủ đã cùng nhau thực hiện được nhiều chuyến đi vô cùng thú vị, để đời (khám phá Tây Đông Bắc; thư giãn Nha Trang-Đà Lạt; miền Trung thân yêu…và sau đó tạm ngưng do CôVy can ngăn).

Đây là công thức rất quyền năng, cũng rất đa năng và đơn giản, dễ sử dụng. Bạn có thể áp dụng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống của bạn, trong bán hàng, trong thuyết phục người khác.

Tony có thể ví dụ việc áp dụng vào thương lượng giảm tiền thuê nhà mùa covid chẳng hạn.

Lực cản của Chủ nhà khi phải giảm giá thuê có thể là phải có tiền trả ngân hàng, sợ gia đình không đồng ý, sợ bị cho là “dại”, sợ bị lợi dụng… => Suy nghĩ thêm giải pháp cho họ, hoặc tìm cách xử lý các lực cản để giảm đáng kể.

Nổi đau của Chủ nhà: Nếu không giảm giá thuê => Trả lại nhà => Không cho thuê được lúc này => Giảm thu nhập => Bị mang tiếng là “bắt chẹt” lúc khó khăn; Không hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ => Ảnh hưởng uy tín, hình ảnh => Mất sự ủng hộ của chính quyền địa phương => Bị lên báo…

Tầm nhìn: Nếu giảm giá cho thuê => Tiếp tục hợp đồng => Vẫn có thu nhập (dù ít đi) => Có được sự trung thành của người thuê => Kinh doanh ổn định => Được Chính quyền khen => Tăng uy tín, hình ảnh cá nhân => Cảm thấy vui vì góp công sức vào sự nghiệp chống dịch => Tạo thêm phước đức cho bản thân, con cháu…

Các bước hành động đầu tiên: Gửi thư; Gọi điện hẹn gặp; Liên lạc Phường nhờ hỗ trợ…

Đến đây, bạn có thể tưởng tượng ra kết quả là “thắng chắc”.

Bài học của Tony:

  • Thay đổi là là điều không thể tránh khỏi (nếu hứng thú bạn thử tìm đọc thêm cuốn sách “Thay đổi hay là chết” để có thêm động lực). Vậy thì chủ động, đón đầu để nắm bắt cơ hội sẽ luôn tốt hơn là chờ đến tình huống bắt buộc bởi chúng ta được lựa chọn tâm thế. 
  • Muốn hành trình thay đổi được dễ dàng và thành công, hãy có phương pháp và tự trải nghiệm nó để tự mình rút ra những bài học. Tony ước mình biết được những công thức thay đổi này sớm hơn để có thể kiến tạo cho mình những thói quen tốt và sớm thành công hơn. Vì vậy, bạn hãy vận dụng nó sớm nhất có thể để thay đổi cuộc đời của mình, qua đó thay đổi nhiều cuộc đời khác xung quanh. Hãy vẽ vòng tròn ảnh hưởng của mình lớn hơn và lớn hơn nữa.

 

Nếu bạn cảm thấy có giá trị với ai đó, hãy chia sẻ cho nhiều người khác nhé! 

Kiến thức là để cho đi mà!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here