Kiên nhẫn khi chưa là gì. Khiêm tốn khi rất là gì!

1
187

Có câu nói nổi tiếng nguyên bản tiếng Anh

                        2 things to define youself:

                        Your patience when you have nothing

                        Your attitude when you have everything

Tạm dịch là

                        Có 2 thứ định nghĩa con người bạn:

                        Sự kiên nhẫn của bạn khi bạn chưa có gì (chưa là gì)

                        Thái độ (khiêm tốn) của bạn khi bạn có tất cả (rất là gì)

Bạn có thể luôn được khuyến khích là hãy trình bày quan điểm của mình. Đúng thì coi như khẳng định được bản thân, sai thì học hỏi. Điều này rất tốt và hãy mạnh dạn với lời khuyên này. Nó sẽ tạo cho bạn một cá tính! Có điều hãy lưu ý rằng ranh giới giữa cá tính và sự bướng bỉnh thường sẽ mong manh và ngộ nhận. Vậy quan trọng nhất là hãy xem xét là bạn đã chọn đúng lúc, đúng người, đúng nơi…để trình bày quan điểm của mình hay không? Và điều đó có thực sự cần thiết để và quan trọng hơn việc kiên nhẫn lắng nghe một góc nhìn mới rồi tự phân tích sau?

Đúng lúc: Lúc này là lúc học hỏi hay lúc để trình bày quan điểm? Nếu thời gian có hạn, bạn sẽ chọn điều gì để đạt được mục tiêu nhiều nhất?

Đúng người: Bạn có nên tranh luận với một người cách mình vài đẳng cấp (level) hay bạn sẽ chăm chú lắng nghe và đặt câu hỏi để hiểu sâu hơn? Bạn có nên tranh luận với một người mà học sẽ dể phản ứng một khi nghe ý kiến trái chiều trong khi đây không phải là lúc để làm việc đó?

Đúng nơi: Hoàn cảnh, không gian, địa điểm, những người xung quanh…là bối cảnh bạn cần cân nhắc để chọn cách phù hợp. Đó chính là trí tuệ cảm xúc đấy!

Tony quan sát thấy nhiều bạn trẻ rất khéo léo phát huy những điều trên và cũng nhiều bạn khác có sự nóng vội khi thể hiện cá tính của mình bằng cách tranh luận hay bảo vệ quan điểm quá đà, đặc biệt trong những tình huống lẽ ra nên im lặng học hỏi. Quá đà vì bản chất việc đó không nên và không cần thiết, vì:

  • Mình chưa là gì, nên ý kiến đó dù đúng thì đã sao… Quan trọng cái đúng đó không cần thiết khi chứng minh người khác sai (bạn thử đọc cuốn sách “bạn đúng, tôi sai, rồi thì sao?”)
  • Mình chưa là gì, nên có thể sẽ vướng vào tình huống “ếch ngồi đáy giếng” khi tranh luận hay đưa ra nhận xét mang tính hiểu chưa tới (bản chất lõi của sự việc, hiện tượng).
  • Mình chưa là gì, nên đặt mình vào tình huống tranh thủ học, lắng nghe, học hỏi và đặt thật nhiều câu hỏi khuyến khích, đào sâu và thể hiện sự biết ơn…(đấy cũng là một cách để luyện kỹ năng lắng nghe hiệu quả đấy)

Tất nhiên cũng có thể có vài tình huống bạn nghe điều gì đó 100% là sai bét (như là mặt trời mọc hướng Tây vậy) thì thôi mặc kệ và im lặng bỏ qua, vì mặt trời có mọc hướng nào thì trời vẫn cứ sáng! Trong vài thứ sai, có hàng trăm thứ hay ho để học hỏi mà, cớ gì vì mỗi cái sai mà bỏ qua mọi cái hay nhỉ!

Và khi bạn có tất cả (rất là gì rồi), hãy thật cẩn trọng vì lúc này là lúc dễ sinh tính chủ quan, kiêu ngạo, và coi thường người khác. Bạn sẽ thấy nhiều tình huống doanh nhân ở đỉnh cao của danh vọng, quyền lực và tiền tài thì thường có những hành xử coi thường luật pháp, chuẩn mực, ngông cuồng trong hành xử, hay chỉ đơn giản hơn là khoe khoang bằng những thứ bề ngoài hào nhoáng. Vì thế trong hoàn cảnh này, “thái độ” của bạn sẽ định nghĩa con người của bạn: Đẳng cấp & đáng ngưỡng mộ hay cũng chỉ là một trọc phú hênh hoang…!

Bài học của Tony:

  • Theo từng giai đoạn của cuộc đời, cần chọn cho mình cách hành xử phù hợp: kiên nhẫn hay khiêm tốn. Kiên nhẫn lúc chưa là gì sẽ giúp bạn luôn có thêm cơ hội để học hỏi và phát triển nhanh chóng. Khiêm tốn lúc rất là gì để giúp bạn tránh xa các rủi ro tiềm ẩn…và cũng là cách để trở thành một con người đẳng cấp và được ngưỡng mộ
  • Đối diện với từng người khác nhau cũng vậy, cũng cần chọn cho mình cách hành xử phù hợp. Gặp được cao nhân, đó là sự may mắn trong đời nên hãy tranh thủ tận dụng mọi cơ hội. Và trong nhiều tình huống, bạn phải rất kiên nhẫn…và cực kỳ khéo léo.

 

Nếu bạn cảm thấy có giá trị với ai đó, hãy chia sẻ cho nhiều người khác nhé! 

Kiến thức là để cho đi mà!

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here