Theo theo gian các mô hình kinh tế được hình thành & phát triển đáp ứng sự thay đổi và tiến hóa của nền kinh tế và hội nhập toàn cầu. Mỗi mô hình kinh tế đều có vai trò lịch sử của nó cùng với ưu nhược điểm đi kèm…
Hãy lướt qua để có thêm thông tin cùng Tony nhé!
—————————
Kinh tế kế hoạch (planned economy)
Kinh tế kế hoạch – còn được gọi là nền kinh tế kế hoạch tập trung hoặc nền kinh tế chỉ huy – là một nền kinh tế–xã hội trong đó Chính phủ và Nhà nước kiểm soát toàn bộ các yếu tố sản xuất và giữ quyền quyết định việc sử dụng các yếu tố sản xuất cũng như phân phối về thu nhập. Trong một nền kinh tế như vậy, các nhà làm kế hoạch quyết định loại và khối lượng hàng hóa nào sẽ được sản xuất, các xí nghiệp thực thi việc sản xuất này
Ưu điểm:
- Nhà nước có thể nhanh chóng huy động một lượng lớn tài nguyên vốn, con người vào các ngành quan trọng. Ví dụ: Các sinh viên giỏi về toán, khoa học, kỹ thuật được đào tạo đặc biệt ở Liên Xô để phục vụ cho ngành quốc phòng và thám hiểm không gian, nên các ngành này có những thành tựu vượt bậc.
- Trong các thời kỳ khó khăn (chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh), Nhà nước có thể nhanh chóng huy động các nguồn lực cho các lĩnh vực thiết yếu (sản xuất vũ khí, lương thực, thuốc men y tế), đồng thời cắt giảm tối đa các lĩnh vực không thiết yếu (hàng xa xỉ, mĩ phẩm…) để giành nguồn lực cho các lĩnh vực quan trọng hơn
Nhược điểm:
-
- Không tạo lập được giá trị kinh tế
- Không tạo ra động lực để thúc đẩy sự phát triển
- Không đạt được mức độ phát triển như mong muốn:
- Không thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng:
- Thiếu dữ liệu của người hoạch định khi xây dựng kế hoạch là một trong những nguyên nhân chính khiến mô hình kinh tế kế hoạch (kinh tế chỉ huy) bị chỉ trích nặng nề hay đã thất bại.
Kinh tế thị trường (market economy)
Là mô hình kinh tế mà trong đó người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu, giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hoá, dịch vụ trên thị trường.
Ưu điểm:
- Tạo ra động lực để các doanh nghiệp có thể đổi mới, phát triển mình, bởi khi các doanh nghiệp đó muốn cạnh tranh và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường thì đòi hỏi họ phải đổi mới về công nghệ, về quy trình sản xuất, quản lý, về các sản phẩm của mình.
- Phát hiện, đào tạo, tuyển chọn, sử dụng những người có năng lực tốt, nâng cao quy trình quản lý kinh doanh, cũng là nơi để đào thải những nhà quản lý chưa đạt được hiệu quả cao.
- Tạo xu thế liên doanh, liên kết đẩy mạnh giao lưu kinh tế, các nước đang phát triển có cơ hội được tiếp xúc được chuyển giao công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý từ các nước phát triển để thúc đẩy công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế ở nước mình.
- Có xu hướng cung cấp nhiều việc làm hơn do với sự tập trung vào đổi mới cho phép các doanh nghiệp nhỏ này tìm ra những thị trường ngách và cung cấp các công việc với mức lương cao ở địa phương.
Nhược điểm:
- Có thể dẫn tới bất bình đẳng trong xã hội và quan niệm. Người giàu sẽ sử dụng lợi thế về tài sản để chiếm hữu ngày càng nhiều của cải và quyền lực hơn, trong khi người nghèo sẽ ngày càng nghèo hơn. Chênh lệch giàu nghèo quá mức sẽ dẫn tới nguy cơ bất ổn xã hội
- Cạnh tranh “cá lớn nuốt cá bé” cuối cùng chỉ còn lại một số ít các nhà sản xuất lớn có tiềm lực mạnh, họ sẽ thâu tóm phần lớn các ngành kinh tế, toàn bộ nền kinh tế sẽ chỉ do một vài nhà tài phiệt nắm quyền thao túng. Kinh tế thị trường sẽ dần biến thành kinh tế độc quyền. Các doanh nghiệp độc quyền không có đối thủ cạnh tranh nên tùy ý chi phối thị trường, nếu Nhà nước không can thiệp thì họ sẽ cố ý tăng giá, giảm chất lượng sản phẩm để tăng thêm lợi nhuận, gây ra tổn thất cho xã hội và người tiêu dùng.
- Do chạy theo lợi nhuận nên các doanh nghiệp sẽ đầu tư mở rộng sản xuất liên tục, sớm muộn sẽ dẫn đến mất cân bằng cung cầu, khủng hoảng thừa: hàng hoá bị ứ đọng, giá cả sụt giảm…dẩn đến hàng loạt doanh nghiệp phá sản và gây khủng hoảng kinh tế.
- Trong một số tình huống, thị trường tự do đi ngược lại lợi ích chung của xã hội. Việc quá đề cao tính thị trường mà không có sự điều tiết của Nhà nước sẽ tạo cơ hội cho sự ích kỷ cá nhân, vì lợi ích cá nhân mà vô cảm cộng đồng, nhất là trong những tình huống ngặt nghèo thì sẽ có những người vì lòng tham lợi nhuận mà sẵn sàng gây tổn hại cho xã hội. Ví dụ: lợi dụng dịch bệnh, tăng giá thuốc, thực phẩm thiết yếu…(nếu không có sự can thiệp của nhà nước)
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (socialist-oriented market economy)
Được mô tả là một nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, trong đó khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, với mục tiêu dài hạn là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là mô hình mà Việt Nam đang theo đuổi.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình thay thế nền kinh tế kế hoạch bằng nền kinh tế hỗn hợp hoạt động theo cơ chế thị trường. Những thay đổi này giúp Việt Nam hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.
Ưu điểm:
- Là nền kinh tế hỗn hợp, vừa vận hành theo cơ chế thị trường, vừa có sự điều tiết của nhà nước, giúp khắc phục những nhược điểm của mô hình kinh tế thị trường
- Là nền kinh tế đa dạng các hình thức sở hữu và đa dạng các thành phần kinh tế, trong đó khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
- Việc phân phối được thực hiện chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
- Là nền kinh tế thị trường do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam quản lý, điều tiết vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
- Là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.
Nhược điểm:
- Chưa tạo được môi trường kinh doanh thật sự lành mạnh, bình đẳng. Hiến pháp đã quy định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nhưng cũng quy định các thành phần kinh tế là bình đẳng, cùng hợp tác và cùng cạnh tranh. Thực tiễn, khu vực kinh tế tư nhân không có nhiều cơ hội tiếp cận vốn, đất đai, thông tin, mất nhiều cơ hội trong đấu thầu cũng như tiếp cận thị trường như khu vực kinh tế nhà nước.
- Vẫn còn tồn tại cơ chế “xin – cho” trong khu vực nhà nước đã thúc đẩy hình thành khu vực hưởng lợi trên lưng người khác thu lợi nhờ các đặc quyền hoặc độc quyền kinh doanh.
- Hệ thống pháp luật của Việt Nam còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, sửa đổi liên tục… gây nhiều vướng mắc. Những người làm luật, bộ máy quản lý gần như không phải chịu trách nhiệm khi xây dựng pháp luật thiếu tính thực tiễn, thiếu đồng bộ, gây tổn hại cho nền kinh tế.
- Quản lý chưa hiệu quả các nguồn tài nguyên kinh tế khiến tình trạng tham nhũng xảy ra thường xuyên trong bộ máy quan liêu cồng kềnh dẫn đến đầu tư nhà nước vào nền kinh tế đạt hiệu quả thấp.
- Chi phí đầu tư công mà Việt Nam phải bỏ ra để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực.
Kinh tế chia sẻ (sharing economy)
Nền kinh tế chia sẻ còn được gọi là nền kinh tế hợp tác. Nó dựa trên việc tổng hợp và trao đổi các dịch vụ, tài nguyên, hàng hóa, thời gian, kiến thức và kỹ năng. Hình thức kinh tế này hiện đang trong quá trình mở rộng mạnh mẽ theo chiều ngang hơn là theo chiều dọc và phân cấp. Nền tảng của kinh tế chia sẻ đó là giảm chi phí và hạn chế hoặc loại bỏ các bên trung gian không cần thiết khác. Bên cạnh đó, hình thức nền kinh tế này không chỉ dựa vào các giá trị xã hội và sinh thái mà nó còn dựa trên niềm tin rằng việc sử dụng quan trọng hơn sở hữu.
Hình thức nền kinh tế chia sẻ được ra mắt vào năm 1995, dưới sự xuất hiện của eBay. eBay là một trong những công cụ đầu tiên của nền kinh tế chia sẻ vì nó cung cấp một thị trường trực tuyến toàn cầu, nơi bất kỳ ai cũng có thể mua hoặc bán bất kỳ loại mặt hàng nào.
Trang mua bán trực tuyến này đã mở ra cho mọi người một nền tảng hoạt động 24/7 có nhiều lựa chọn hàng hóa từ cả nhà bán lẻ và những người bình thường đang cố gắng bán sản phẩm với giá cạnh tranh. Mặc dù eBay không được nhìn nhận như các công ty kinh tế chia sẻ ngày nay như Airbnb và Uber, nhưng đây là bước đầu tiên hướng tới việc kết nối người mua và người bán cá nhân mà không có sự xuất hiện của nhà bán lẻ ở giữa.
Và chỉ đến khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ với các thành tựu phát triển của khoa học – công nghệ, công nghệ thông tin thì mô hình kinh tế này mới có những bước phát triển đột phá, được coi là yếu tố cốt lõi của nền kinh tế số hiện nay. Kinh tế chia sẻ là một phương thức mới trong huy động, phân bổ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế bởi các loại hình doanh nghiệp hoạt động theo mô hình này chủ yếu khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng trên nền tảng công nghệ.
Nền kinh tế chia sẻ không chỉ thay đổi cách chúng ta mua và sử dụng mọi thứ mà còn thay đổi cách mọi người làm việc. Các công ty hàng đầu trong nền kinh tế chia sẻ (sharing company) như Uber và Lyft đã cho phép người tham gia lao động làm việc vào bất cứ thời gian nào phù hợp với họ nhất. Dịch vụ lưu trữ Airbnb đã trở thành một ngành kinh doanh lớn đối với những người có không gian trống trong nhà của họ và các dịch vụ chăm sóc thú cưng như Rover kết nối những người có nhu cầu dắt chó và người trông nom thú cưng với những người trông nom động vật thân thiện để tìm kiếm thêm thu nhập.
Tại Việt Nam, thời gian gần đây, thuật ngữ “nền kinh tế chia sẻ” được đưa ra bàn luận trên nhiều diễn đàn, với một số mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số như ứng dụng gọi xe Grab, Be, Go Việt, dịch vụ du lịch và khách sạn, dịch vụ chia sẻ phòng ở như Airbnb, Luxstay… Trong điều kiện của Việt Nam, “kinh tế chia sẻ” có thể được hiểu là một phương thức kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng, một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản và dịch vụ được chia sẻ cho nhiều người sử dụng trên thị trường thông qua việc sử dụng các nền tảng số
Kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực BĐS
Trong nền kinh tế chia sẻ, hình thức chia sẻ nhà owe ngày càng được mở rộng phát triển. Sự phát triển này đã vô tình chung đã thách thức sự độc quyền về chỗ ở mà các khách sạn đã nắm giữ trong nhiều thập kỷ. Năm 2008, Airbnb xuất hiện với ý tưởng cho phép mọi người chia sẻ không gian trong nhà của họ để tìm chỗ ở tại các thành phố có khách sạn đã đặt trước. Từ đó, chia sẻ nhà và cho thuê ngắn hạn nhanh chóng phát triển trở thành một ngành kinh doanh trọng điểm bởi vì khách hàng có vô số các lựa chọn về địa điểm và giá cả khi lựa chọn giữa các danh sách.
Kể từ khi Airbnb xuất hiện, suy nghĩ của người dùng về chỗ ở trực tuyến và chia sẻ không gian sống đã thay đổi. Dẫn đến các khách sạn, nghỉ dưỡng truyền thống cũng tiến hành xây dựng các dự án chia sẻ nhà ở du lịch của riêng họ để sở hữu một phần của miếng bánh thị trường béo bở này.
Kinh tế tri thức (knowledge-based economy)
Khái niệm kinh tế tri thức manh nha xuất hiện từ đầu những năm 1960 của thế kỷ trước, tiên phong bởi Fritz Machlup và Peter Drucker. Trong hơn bốn thập kỷ qua, đã có nhiều nghiên cứu nhằm xác định và giải thích cơ chế của nền kinh tế này. Trong những năm qua kinh tế tri thức được chọn làm chiến lược phát triển của nhiều quốc gia, cả những nước phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên, kinh tế tri thức là khái niệm không dễ hiểu vì dựa trên hai khái niệm trừu tượng là kinh tế và tri thức, và do vậy đã được hiểu nhiều ít khác nhau.[1]. Nền kinh tế tri thức, còn gọi là kinh tế dựa vào tri thức (Knowledge – BasedEconomy) là nền kinh tế chủ yếu dựa vào tri thức, trên cơ sở phát triển khoa học và công nghệ cao. “Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế ngày càng phụ thuộc trực tiếp vào việc sản xuất phân phối và sử dụng tri thức và thông tin” (OECD 1996); “Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế mà trong đó quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức trở thành động lực chính cho tăng trưởng, cho quá trình tạo ra của cải và việc làm trong tất cả các ngành kinh tế” (APEC 2000). Ngân hàng Thế giới (WB,2000) đánh giá “Đối với các nền kinh tế tiên phong trong nền kinh tế Thế giới, cán cân giữa hai yếu tố tri thức và các nguồn lực đang nghiêng về tri thức.Tri thức thực sự đã trở thành yếu tố quan trọng nhất quyết định mức sống – hơn cả yếu tố đất đai, hơn cả yếu tố tư liệu sản xuất, hơn cả yếu tố lao động. Các nền kinh tế phát triển nhất về công nghệ ngày nay thực sự đã dựa vào tri thức”. Còn theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Anh: Kinh tế tri thức là nền kinh tế mà việc sản sinh ra và khai thác tri thức có vai trò nổi trội trong quá trình tạo ra của cải; Kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Có 4 trụ cột làm động lực của nền kinh tế tri thức:
- Môi trường kinh tế và thể chế xã hội
- Giáo dục và đào tạo
- Mạng lưới các trung tâm nghiên cứu, đại học, tổ chức chuyên gia cố vấn, doanh nghiệp tư nhân, các nhóm cộng đồng
- Hạ tầng cơ sở thông tin, từ radio đến Internet, đặc biệt là hệ thống viễn thông
Kinh tế kỹ thuật số (digitalized economy)
Hiện nay nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hoạt động kinh tế không chỉ là việc trao đổi hàng hóa một cách đơn thuần mà được dựa trên nền tảng kỹ thuật số, đó chính là nền kinh tế số (còn được gọi là kinh tế web, kinh tế internet hay kinh tế mới). Theo các nhà nghiên cứu, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng…) mà công nghệ số được áp dụng. Về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số, như các trang thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến hay các ứng dụng về ăn uống, vận chuyển…
Theo nghiên cứu của Google, giá trị nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên 52 tỷ USD vào năm 2025, tăng 29% so với năm 2020.
Các công ty khởi nghiệp được Warburg Pincus LLC, Goldman Sachs Group Inc. và JD.com Inc hỗ trợ, các công ty trong khu vực bao gồm Shopee của Sea Ltd ở Singapore và thậm chí tập đoàn Amazon.com Inc. cũng đang nhắm đến tầng lớp trung lưu đang gia tăng tại Việt Nam.
Nghiên cứu của Google, Temasek và Bain cho thấy từ năm 2016 đến nửa đầu năm 2020, các nhà đầu tư đã rót 1,9 tỷ USD vào lĩnh vực trực tuyến của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, lĩnh vực mua sắm trực tuyến sẽ chiếm 10% doanh số bán lẻ của Việt Nam, trong đó tỷ trọng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lên đến 50%.
Năm 2020, trong bối cảnh suy giảm chung của kinh tế toàn cầu và khu vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam vẫn đạt mức dương và cao nhất khu vực ASEAN, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP 2,91%, quy mô kinh tế số của Việt Nam đạt 14 tỷ USD, đóng góp khoảng 5,2%GDP với sự phát triển năng động của các khu vực/ngành kinh tế mới nổi như: CNTT&TT; viễn thông; thương mại điện tử; Fintech, BigTech, HealthTech, Edtech.
Triển vọng kinh tế số Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 xác định đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Cùng với tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2021-2030 (khoảng 6-6,5%), chiến lược “Make in Vietnam”, sự phát triển của các hoạt động đổi mới sáng tạo, sự gia tăng của lực lượng lao động có trình độ và kỹ năng cao (đặc biệt trong lĩnh vực CNTT&TTICT), kinh tế số Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên tới.
Theo dự báo của Google và Temasek 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam giai đoạn 2020-2025 sẽ đạt mức 29-30%, cao hơn mức trung bình của khu vực ASEAN (25%), quy mô kinh tế số Việt nam sẽ đạt khoảng 52 tỷ vào năm 2025, đứng thứ ba khu vực ASEAN, sau Indonesia (124 tỷ USD) và Thái Lan (53 tỷ USD). Theo dự báo của Tổ chức Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm 1,1% hàng năm nếu chuyển đổi số thành công. Sự phát triển kinh tế số sẽ góp phần tăng quy mô vị thế kinh tế Việt Nam, tăng tính hiệu quả và bền vững. Theo dự báo của PwC 2017, Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và lọt top 10 nền kinh tế đứng đầu Châu Á năm 2050.
Theo dự báo của Hamada Kazuyuki – tác giả cuốn sách “Cường quốc tương lai”, Việt Nam sẽ nằm trong Top 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới năm 2030. Xét về khía cạnh xã hội, CMCN 4.0 và kinh tế số là nền tảng quan trọng để Việt nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển, thu nhập cao đồng thời tạo sự thịnh vượng, bao trùm và tiến bộ xã hội.
– ThaisonCoach.com –
—————————
Nguồn tham khảo & trích dẫn:
https://vietnamfinance.vn/nen-kinh-te-la-gi-phan-loai-mot-so-mo-hinh-kinh-te-20180504224210592.htm
http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210760
https://vjst.vn/vn/tin-tuc/2686/kinh-te-chia-se–thuc-trang-va-giai-phap.aspx
https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_t%E1%BA%BF_chia_s%E1%BA%BB
https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_t%E1%BA%BF_tri_th%E1%BB%A9c
https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_t%E1%BA%BF_k%E1%BB%B9_thu%E1%BA%ADt_s%E1%BB%91
https://nhadautu.vn/kinh-te-so-viet-nam-thuc-trang-va-trien-vong-d51249.html
Nếu bạn cảm thấy có giá trị với ai đó, hãy chia sẻ cho nhiều người khác nhé!
Kiến thức là để cho đi mà!