Năng lượng chính là nguồn gốc mọi hoạt động, mà nói theo ngôn ngữ dân dã thì chính là độ “sung” . Tony thường hay được khen “thấy Sếp luôn tràn đầy năng lượng”.
Khi tràn đầy năng lượng thì ta còn muốn đương đầu với thử thách công việc và cuộc sống trước mắt với sự quyết tâm, quyết liệt và quyết thắng. Vì thế, năng lượng thật sự quan trọng và là mấu chốt cho mọi thành công trong cuộc sống chúng ta.
Vậy năng lượng từ đâu đến? Thường thì đa số sẽ nghĩ ngay đến số calori được nạp vào bao tử để tạo ra năng lượng hoạt động. Thực tế thì phức tạp hơn, và có 4 thành tố quan trọng để tạo ra năng lượng của ta bao gồm THỂ CHẤT, TÌNH CẢM , TRÍ TUỆ và TINH THẦN. Bốn nguồn năng lượng này liên quan mật thiết với nhau và ta phải phục hồi xen kẽ. Đôi lúc chúng ta cảm thấy mất hết sinh lực khi từ công ty trở về nhà, gọi là “đuối”. Hiệu suất sẽ thấp dần khi chúng ta thiếu tập trung và sáng tạo. Với phương thức làm việc mới chúng ta quản trị năng lượng thông minh sẽ có hiệu suất cao, sức khỏe và hạnh phúc. Như vậy chính năng lượng chứ không phải thời gian là nguồn lực quý giá nhất. Xuất phát từ định luật bảo toàn năng lượng và việc cân bằng năng lượng tiêu hao và phục hồi năng lượng quyết định lớn đến năng suất của các nhân viên và tập thể.
Tony có nguyên một bài dài về năng lượng, tuy nhiên trong phạm vi này, Tony chỉ tóm tắt các thành tố tạo nên năng lượng để các bạn tự tìm hiểu thêm nhé:
1/ THỂ CHẤT
Yếu tố quan trọng đầu tiên, ví như chiếc xe. Xe mà không chạy được thì mọi thứ đều đứng yên. Thể chất cao, năng lượng nhều, độ sung dữ!
Để có một thể chất tốt, cần chú ý đến ĂN – NGỦ – UỐNG – THỂ DỤC & THỞ
Quả là có cả 1 kho tàng kiến thức và kỹ năng liên quan đến 5 món này. Đừng nghĩ là đơn giản nhé vì nếu tìm hiểu sâu bạn sẽ khám phá nhiều điều bất ngờ và thú vị. Ví dụ như thở, bạn sinh ra đã thở, nhưng đến giờ chưa chắc gọi là biết thở! Tự tìm hiểu nhé!
Thể chất là năng lượng nền tảng nó ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát cảm xúc, duy trì tập trung, khả năng sáng tạo và thậm chí duy trì sự tận tâm cho một mục đích, sứ mệnh ta đang thực hiện. Năng lượng thể chất tương tác và có ảnh hưởng đến các nguồn năng lượng khác và ngược lại.
2/ TÌNH CẢM
Năng lượng tình cảm là năng lượng sinh ra từ cách chúng ta kiểm soát trạng thái cảm xúc, nó liên hệ mật thiết với 3 nguồn năng lượng thể chất, trí tuệ, tinh thần. Năng lượng này có hiệu ứng lây lan và khuếch đại, có khi khiến ta tỏa sáng, có khi khiến ta lao đao không còn hứng thú trong mọi việc. Năng lượng Tình cảm đến từ các thành tố: Sức mạnh của Tình yêu, Sức mạnh của Tình bạn, Sức mạnh của mối quan hệ bền vững như Gia đình con cái, và Sức mạnh của Cảm xúc tích cực.
Tình yêu được cho là trạng thái cảm xúc mạnh mẽ nhất và là dạng thức năng lượng cao nhất, đỉnh cao là sex với 2 hoocmon Endorphin và Oxytoxin. Có thứ này rồi thì tự nhiên đời phơi phới, hát líu lo cả ngày không mệt!
Tình bạn: từ đó có được sự tận tâm, sự tự bộc lộ, sự tin cậy, sự trung thực và sự tương đồng. Sức mạnh của tình bạn đó là sự sẻ chia, nó làm giảm cảm xúc tiêu cực và tăng cảm xúc tích cực. Tất nhiên đó phải là bạn chí tốt – là những môi quan hệ đứng vững trước thử thách của thời gian và xung đột. Vậy nên có người nói thiệt là thất bại nếu đời ta không có được 1 người bạn chí cốt!
Gia đình con cái: Những mối quan hệ giữa những người thân trong gia đình lớn, nhỏ đều tác động rất lớn đến trạng thái tinh thần và năng lượng của ta. Ta không quyết định được mình sinh ra trong gia đình nào, hoàn cảnh nào, nhưng chúng ta nhất định quyết định được tương lai của cuộc sống của mình, gia đình nhỏ của mình…và biến đó thành nguồn năng lượng hàng ngày. Không hiếm gặp các đồng nghiệp nhân viên đến công ty với trạng thái “tuột mood”, hay “hết pin” vì lý do “chuyện gia đình”.
Vì vậy hãy thật sự sáng suốt trong việc “Chọn bạn để chơi”, “Chọn người để lấy” . Còn chọn thế nào cho phù hợp, hãy tiếp tục theo dõi chuyên đề sau 😉
Cảm xúc tích cực ảnh hưởng và làm tăng các nguồn năng lượng thể chất, trí tuệ, tinh thần của bạn và những người xung quanh và ngược lại với cảm xúc tiêu cực làm tiêu hao các nguồn năng lượng này. Làm chủ được cảm xúc là chúng ta có khả năng nhận diện theo dõi và phân biệt được cảm xúc của mình từ những tín hiệu cơ thể và suy nghĩ. Làm được điều này sẽ giúp chúng ta cân nhắc và tránh mắc những sai lầm đáng tiếc.
Kiểm soát được cảm xúc – một phần của EQ sẽ giúp chúng ta nhận biết được cảm xúc của mình và mọi người nhằm giải tỏa căng thẳng và truyền cảm hứng cho bản thân và kiểm soát nội tâm, các mối quan hệ… Giỏi phần này, nếu là Sếp, ta sẽ truyền năng lượng cho nhân viên. Nếu là nhân viên, ta tự tạo năng lượng cho ta (và cho dù Sếp có quăng cục lơ hãy làm ta tuột mood!). Kỹ năng này rất quan trọng và được phát triển theo thời gian. Là quản lý mà được nhân viên nói “mỗi lần gặp anh xong là thấy tràn đầy năng lượng” thì ta thành công ở phần này rồi đấy!
3/ TINH THẦN
Đã từ lâu người ta nhận biết rằng năng lượng của ta không chỉ nằm ở phần THỂ CHẤT, mà phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần. Một khi tinh thần đã sa sút, dù cơ bắp cuồn cuộn, thể lực có mạnh mẽ đến đâu thì ta cũng tự cảm thấy yếu đuối và chẳng làm được gì.
Những thành tố của TINH THẦN bao gồm Mục đích, Mục tiêu, Động lực, Đam mê, Niềm tin & 4 Kiên.
Mục đích hay lẽ sống được xem là lựa chọn quan trọng nhất của đời người, là nguồn năng lượng dẫn dắt bao thứ khác đi theo. Lẽ sống chính là hoài bão và sứ mệnh của cuộc đời, là giá trị nền tảng, chuẩn hành xử của của chính mình. Xác định lẽ sống chính là trả lời câu hỏi: “Mình là ai, mình sống để làm gì, mình sẽ dùng cuộc đời của mình vào việc gì và việc đó có đáng để dùng hay không?”. Xác định lẽ sống cũng chính là việc chọn cho mình lý do để sống (rốt cuộc ý nghĩa của cuộc đời mình nằm ở đâu) – được coi là “đích đến”, “bánh lái”, hay sẽ là “ma đưa lối, quỷ đưa đường” trong cuộc đời ta. Đây là lựa chọn quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng tới tất cả những lựa chọn còn lại. Không phải ai cũng chọn được đúng “đích đến” và “bánh lái” cho mình và hậu quả là cuộc đời của ta không biết đi về đâu, như con tàu nhiên liệu thì nhiều nhưng không biết đi đâu nên không thể chuyển thành năng lượng. Mục đích sống tạo một điểm đến, là thứ soi sáng, nâng đỡ nuôi dưỡng tâm hồn ta.
Có mục đích sống sẽ dẫn đến Mục tiêu thông qua những ước mơ, ngay khi còn bé. Có Mục tiêu rõ ràng, ta sẽ có hướng các nguồn lực vào Mục tiêu cụ thể đó. Mỗi ngày, nhờ có Mục tiêu mà ta có Động lực để bật dậy ra khỏi gường để dấn thân cho mục tiêu. Đam mê từ đó mà được hình thành thông qua những thứ ta làm mỗi ngày, từ dấn thân, tử thử làm…với tinh thần “I can do it”. Sự đam mê là ngọn lửa thổi bùng lên lòng nhiệt huyết, khiến mỗi chúng ta không ngừng khám phá những tiềm năng vô tận ẩn sâu trong mỗi con người.
Đam mê là nguồn năng lượng giàu octan nhất để chúng ta tiến tới mục tiêu nhanh nhất, đam mê có thể đánh thức con người phi thường trong ta. Mỗi một thành công, mỗi một trải nghiệm từ hành trình đó sẽ là thứ xây nên Niềm tin. Niềm tin được ghi nhận trong tiềm thức và một khi kích hoạt, nó là nguồn năng lượng mạnh mẽ sẽ giúp ta vượt qua mọi trở ngại.
Mỗi một thách thức sẽ góp vào làm nên 4 Kiên KIÊN ĐỊNH – KIÊN TRÌ – KIÊN NHẪN – KIÊN QUYẾT vì ta hiểu rằng “Không bao giờ là thất bại. Tất cả chỉ là thách thức”.
Chỉ cần hiểu vậy, bổng dưng ta đã đã thấy thêm nhiều năng lượng để tiến lên phía trước!
Bên cạnh đó cũng có 3 độc tố làm triệt tiêu nguồn năng lượng từ TINH THẦN này. Đó chính là tham lam, giận dữ và mê muội (tham, sân, si). Chúng ta sẽ không thể làm triệt tiêu chúng mà chỉ có thể biến chúng thành thứ khác, mà nhà Phật gọi là “Chuyển hóa”. Và đây là công thức chuyển hóa có thể áp dụng:
- Tham lam => Chia sẻ
- Giận dữ => Từ bi
- Mê muội => Ý thức.
4/ TRÍ TUỆ
Yếu tố cuối để tạo ra Năng Lượng cho ta.
Năng lượng trí tuệ là cái mà ta tổ chức cuộc sống và tập trung sự chú ý của mình. Nếu nguồn năng lượng này sa sút sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn năng lượng từ THỂ CHẤT, TÌNH CẢM và TINH THẦN. Năng lượng TRÍ TUỆ sinh ra từ bốn nguồn sức mạnh của: sự tập trung, tư duy tích cực, sự liên kết 2 bán cầu não, và tiềm thức.
Sức mạnh của sự tập trung: là dồn hết tâm trí vào một sự vật, hiện tượng tại một thời điểm. Đơn giản đó là quá trình loại bỏ bớt một số việc không hiệu quả để giải quyết việc còn lại. Vậy nên năng lượng sẽ có cơ hội tập trung.
Có 2 lý do làm mất tập trung:
– Bên trong : tiếng nói vọng về từ tiềm thức
– Bên ngoài : là những gì đang diễn ra xung quanh ta
Vậy chỉ cần xử lý 2 cái này là xong. Phương pháp phổ biến nhất hiện nay là YOGA & THIỀN.
Tư duy tích cực: là dạng thức năng lượng của tư duy, ở đây ta nói rộng hơn là thái độ sống và cách sống. Tích cực nghĩa là:
– Nhìn mọi sự việc, mọi vật, mọi vấn đề đều thấy cái hay, cái đẹp, cái tốt. Nếu thấy cái xấu ta lại tư duy thành cái tốt, vì thật ra luôn tồn tại 2 mặt của 1 vấn đề! 😉
– Luôn hướng đến hành động để mọi thứ tốt đẹp hơn.
Vậy đơn giản, cứ Tư duy tích cực thì năng lượng sẽ được tạo ra!
Liên kết bán cầu não: Não chúng ta chia làm hai bán cầu Trái & Phải, hai bán cầu này có ưu thế khác nhau.
– Bán cầu trái: có chức năng xử lý ngôn ngữ, tư duy logic, viết, tính toán, sắp xếp phân loại, nhớ từ ngữ và tri giác thời gian.
– Bán cầu phải: có chức năng xử lý hình tượng tổng thể, khái niệm không gian, khả năng cảm thụ âm nhạc, khả năng bắt chước, tình cảm, sáng tạo.
Phát triển cân bằng hai bán cầu trái & phải là 1 trong những nguyên tắc quan trọng để phát triển trí tuệ.
Sức mạnh tiềm thức: “tiềm thức là hoạt động tâm lý của con người mà bản thân người ấy không ý thức được”
Tiềm thức là động cơ điều khiển năng lượng, mọi hành vi đều bắt đầu từ năng lượng mà năng lượng lại do tiềm thức quyết định. Nó vô hạn, chiếm đến 90% não bộ. Nó kiểm soát mọi chức năng trọng yếu trong cơ thể. Nó hoạt động 24/24, và mạnh nhất khi chúng ta ngủ hoặc tĩnh lặng. Vì vậy để khai thác năng lượng và sức mạnh của tiềm thức, ta cần luyện khả năng khai thác vào vùng tiềm thức này, ví dụ như “brainstorming – não công”, “tự kỷ ám thị”…!
(Để hiểu rõ hơn tiềm thức thì thử xem bộ phim “Lucy”)
Bài học của Tony:
Năng lượng con người phức tạp thiệt. Không ai giống ai, mức độ quan trọng của các thành tố năng lượng tổng thể phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Hiểu được bản thân giúp quản trị được năng lượng chính mình, biết được cách phân bổ nguồn lực để tái nạp lại năng lượng liên tục mỗi ngày để giữ lửa, giữ tâm…và lan tỏa năng lượng đến cộng đồng xung quanh theo Luật Hấp Dẫn và giá trị sẽ nhân lên rất lớn! Nói theo Nhà Phật thì mục tiêu cuối cùng của con người là tích lũy Phúc – Đức. Đức chính là Năng Lượng. Phúc chính là Lan Tỏa năng lượng đến mọi người.
Nếu bạn cảm thấy có giá trị với ai đó, hãy chia sẻ cho nhiều người khác nhé!
Kiến thức là để cho đi mà!