Tăng trưởng kinh tế

0
180

Nếu bạn chưa có kiến thức nhiều về kinh tế, hay muốn hệ thống hóa lại một số khái niệm cơ bản về kinh tế, thì bài viết này không thể bỏ qua…! 

Hãy lướt qua để có thêm thông tin cùng Tony nhé!

——————————

Định nghĩa về Tăng trưởng kinh tế

Là sự gia tăng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc tổng sản lượng quốc dân (GNP) hoặc quy mô sản lượng quốc gia tính bình quân trên đầu người (PCI) trong một thời gian nhất định. Có thể hiểu đại khái là, tăng trưởng kinh tế năm 2021 được đo lường bằng cách xem xét GDP/GNP của năm 2021 thay đổi như thế nào (có thể tăng hoặc giảm) so với GDP/GNP của năm 2020.

Công thức tính tốc độ tăng trưởng kinh tế đơn giản như sau:

y (t )= (GDP (t) – GDP (t-1) ) / GDP (t-1) * 100%

Trong đó:

  • y(t): Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm t 
  • GDP(t): Tổng sản phẩm quốc nội năm t 
  • GDP(t-1): Tổng sản phẩm quốc nội năm t-1

Ví dụ cách tính tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 như sau:

  • GDP Việt Nam 2019: 333,3 tỷ USD.
  • GDP Việt Nam 2020: 343 tỷ USD.
  • Tốc độ tăng trưởng GDP 2020 = (343 – 333,3) / 333.3 * 100% = 2.91%

Tốc độ tăng trưởng 2020 của Việt Nam bị giảm như vậy là do ảnh hưởng của Covid-19. Cùng với Trung Quốc và Mi-an-ma, Việt Nam là một trong ba quốc gia ở châu Á có mức tăng trưởng dương trong 2020; đồng thời quy mô nền kinh tế nước ta đạt hơn 343 tỷ USD, vượt Xin-ga-po (337,5 tỷ USD) và Ma-lai-xi-a (336,3 tỷ USD), đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a 1.088,8 tỷ USD; Thái Lan 509,2 tỷ USD và Phi-li-pin 367,4 tỷ USD)

Các chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng kinh tế

  1. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP – Gross Domestic Products)

Là tổng giá trị bằng tiền của tất cả sản phẩm, dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong nước, trong một thời gian nhất định. Điều này có nghĩa là, GDP có thể bao gồm cả các sản phẩm, dịch vụ được tạo ra bởi công dân nước ngoài (không phải công dân Việt Nam), miễn là được sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam.

  1. Tổng sản phẩm quốc dân (GNP – Gross National Products)

Là tổng giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được tạo ra bởi công dân một nước trong một thời gian nhất định. Do đó, khác với GDP thì GNP lại bao gồm các sản phẩm, dịch vụ được sản xuất chỉ bởi công dân Việt Nam (bất kể họ đang sinh sống trên lãnh thổ nước khác).

Sự tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào 2 quá trình: sự tích lũy tài sản (như vốn, lao động và đất đai) và đầu tư những tài sản này có năng suất hơn

Chính vì vậy hình thành nên 2 Mô hình tăng trưởng kinh tế:  Mô hình theo chiều rộngMô hình theo chiều sâu. Việc lựa chọn đi theo mô hình tăng trưởng kinh tế nà tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế xã hội, trình độ phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và mối quan hệ chính trị trong và ngoài nước.

3. Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng

Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng có đặc trưng là tăng khối lượng sản xuất nhờ vào việc tăng vốn, lao động và khai khác tài nguyên thiên nhiên. Đó là con đường dễ nhất để mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều việc làm, cải thiện thu nhập… 

Hạn chế của mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng đó là nền kinh tế có năng suất lao động thấp, tính trì trệ cao, cơ cấu chuyển dịch từ nông nghiệp, công nghiệp sang dịch vụ chậm.

Ví dụ Châu Phi có nhiều quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn nghèo là điển hình nhất cho hạn chế của mô hình phát triển theo chiều rộng. Việc tập trung khai thác tài nguyên để dẩn dắt sự tăng trưởng có thể làm cạn kiệt nguồn lực của con cháu tương lai. Việt Nam từng tự hào với thông điệp “rừng vàng, biển bạc” trong các nội dung giáo dục, và điều này có thể dẫn đến một tư duy phát triển nhờ vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. 

Có nhiều tài nguyên thiên nhiên là Lợi Thế, những cũng là một Điểm Yếu chết người! 

4. Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu

Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu lấy khoa học, công nghệ làm nền tảng giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng của tăng trưởng như:

  • Nâng cao hiệu xuất sử dụng vốn.
  • Tăng năng suất lao động.
  • Giảm chi phí sản xuất.
  • Hướng hoạt động của nền kinh tế vào các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng.
  • Chủ động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có dung lượng công nghệ cao.
  • Đồng bộ hóa quá trình khai thác và chế biến sản phẩm.
  • Nâng cao sự đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP).

Nước Nhật sau chiến tranh là một quốc gia hoang tàn, thiếu thốn tài nguyên. Trong nghịch cảnh đó, Nhật Bản lại tìm thấy cơ hội vươn lên mạnh mẽ bằng mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Nghịch cảnh luôn ẩn chứa cơ hội! 

Mô hình này cũng được các nước giàu áp dụng dù họ vẫn sở hữu nhiều lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhưng đơn giản, họ muốn để dành lại cho con cháu mai sau! 

Nước Mỹ là một điển hình với mô hình Thung lũng Silicon – nơi hội tụ của các anh tài công nghệ hàng đầu thế giới

Mục tiêu của tăng trưởng kinh tế

  • Đối với người dân: nâng cao đời sống về vật chất lẫn tinh thần cho người dân
  • Đối với doanh nghiệp: tăng trưởng & phát triển theo sự tăng trưởng của nền kinh tế
  • Đối với Chính phủ: có thêm nguồn lực để chăm lo cho chính sách an cư xã hội, tăng phúc lợi cho người dân; Tăng trưởng kinh tế cao và ổn định sẽ đưa đất nước nhanh chóng trở thành những nền kinh tế lớn (dù xuất phát điểm thấp), từ đó củng cố được vị thế chính trị, an ninh quốc phòng

Tuy nhiên, ở một số quốc gia, dù có sự tăng trưởng cao, nhưng sự phân hóa giàu – nghèo cũng ngày càng sâu sắc. Một số giàu nên nhanh chóng, nhưng một số vẫn chịu đựng một chất lượng sống vô cùng thấp.

Nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế

Có 4 nhân tố chính ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của một quốc gia, bao gồm: 

  1. Nguồn nhân lực (Human Capital)

Chất lượng đầu vào của lao động tức là kỹ năng, kiến thức và kỷ luật của đội ngũ lao động là yếu tố quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế. Hầu hết các yếu tố khác như tư bản, nguyên vật liệu, công nghệ đều có thể mua hoặc vay mượn được nhưng nguồn nhân lực thì khó có thể làm điều tương tự. Các yếu tố như máy móc thiết bị, nguyên vật liệu hay công nghệ sản xuất chỉ có thể phát huy được tối đa hiệu quả bởi đội ngũ lao động có trình độ văn hóa, có sức khỏe và kỷ luật lao động tốt. Thực tế nghiên cứu các nền kinh tế bị tàn phá sau Chiến tranh thế giới lần thứ II cho thấy mặc dù hầu hết tư bản bị phá hủy nhưng những nước có nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn có thể phục hồi và phát triển kinh tế một cách ngoạn mục. Điển hình là nước Đức, “một lượng lớn tư bản của nước Đức bị tàn phá trong Đại chiến thế giới lần thứ hai, tuy nhiên vốn nhân lực của lực lượng lao động nước Đức vẫn tồn tại. Với những kỹ năng này, nước Đức đã phục hồi nhanh chóng sau năm 1945. Nếu không có số vốn nhân lực này thì sẽ không bao giờ có sự thần kỳ của nước Đức thời hậu chiến.” 

Nhật Bản là một ví dụ tiếp theo. Sau thất bại của chiến tranh, đặc biệt là 2 quả bom nguyên tử thả xuống, một Nhật Bản điêu tàn…đã vực dậy nhanh chóng sau đó nhờ có nguồn nhân lực trình độ cao đến từ vào việc giáo dục trẻ em Nhật Bản vượt lên hà khắc của thiên nhiên, nghịch cảnh.  

  1. Tài nguyên thiên nhiên (Natural Resources)

Là một trong những yếu tố sản xuất cổ điển. Những tài nguyên quan trọng là đất đai, khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ, rừng và nguồn nước. Tài nguyên thiên nhiên có vai trò quan trọng để phát triển kinh tế, có những nước được thiên nhiên ưu đãi một trữ lượng dầu mỏ lớn có thể đạt được mức thu nhập cao gần như hoàn toàn dựa vào đó như Ả rập Xê út. 

Việt Nam có những điều kiện để phát triển ngành thủy, hải sản nhờ vị trí giáp biển Đông. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, phong phú phục vụ cho ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, việc sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú không quyết định một quốc gia có thu nhập cao. Nhật Bản là một nước gần như không có tài nguyên thiên nhiên nhưng nhờ tập trung sản xuất các sản phẩm có hàm lượng lao động, tư bản, công nghệ cao nên vẫn có nền kinh tế từng đứng thứ hai trên thế giới về quy mô. 

  1. Vốn tư bản (Physical Capital)

Là một trong những nhân tố sản xuất, bao gồm máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ…. Tùy theo mức độ tư bản mà người lao động được sử dụng những máy móc, thiết bị… nhiều hay ít (tỷ lệ tư bản trên mỗi lao động) và tạo ra sản lượng cao hay thấp. Để có được tư bản, phải thực hiện đầu tư, nghĩa là hy sinh tiêu dùng cho tương lai. Điều này đặc biệt quan trọng trong sự phát triển dài hạn. Những quốc gia có tỷ lệ đầu tư tính trên GDP cao thường có được sự tăng trưởng cao và bền vững. Tuy nhiên, tư bản không chỉ là máy móc, thiết bị do tư nhân dầu tư cho sản xuất nó còn là “tư bản cố định xã hội”, những thứ tạo tiền đề cho sản xuất và thương mại phát triển, thường do chính phủ thực hiện, ví dụ như hạ tầng của sản xuất (đường giao thông, cảng biển, sân bay, mạng lưới điện quốc gia…), sức khỏe cộng đồng, thủy lợi…

  1. Tri thức công nghệ (Technological Knowledge)

Trong suốt lịch sử loài người, tăng trưởng kinh tế rõ ràng không phải là sự sao chép giản đơn, là việc đơn thuần chỉ tăng thêm lao động và tư bản, ngược lại, nó là quá trình không ngừng thay đổi công nghệ sản xuất. Công nghệ sản xuất cho phép cùng một lượng lao động và tư bản có thể tạo ra sản lượng cao hơn, nghĩa là quá trình sản xuất có hiệu quả hơn. Công nghệ phát triển ngày càng nhanh chóng và ngày nay công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… có những bước tiến như vũ bão góp phần gia tăng hiệu quả của sản xuất. Thế giới đã trãi qua 3 cuộc Cách Mạng Công Nghiệp và chúng ta đang ở trong Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp 4.0 mà nền tảng là Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT) và Robot, 3D, Dữ liệu lớn (big data)

Tuy nhiên, thay đổi công nghệ không chỉ thuần túy là việc tìm tòi, nghiên cứu; công nghệ có phát triển và ứng dụng một cách nhanh chóng được hay không cũng nhờ vào “phần thưởng cho sự đổi mới” – sự duy trì cơ chế cho phép những sáng chế, phát minh được bảo vệ và được trả tiền một cách xứng đáng. 

Chính sách chính giúp thúc đẩy tăng trưởng 

Dựa trên các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, có 7 chính sách chính giúp thúc đẩy tăng trưởng: 

  • Mở cửa nền kinh tế, kết nối với nhiều tổ chức, quốc gia, khu vực trên thế giới.
  • Củng cố quyền sở tài sản và ổn định tình hình chính trị.
  • Khai thác & sử dụng tài nguyên tối ưu và tạo thêm giá trị cho tài nguyên
  • Thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
  • Phát triển & nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua giáo dục, đào tạo 
  • Nghiên cứu và triển khai công nghệ mới; Phát triển các cơ chế khuyến khích đầu tư nguồn tri thức công nghệ.
  • Đầu tư hạ tầng giúp phát triển bền vững, xã hội hóa các công trình công cộng.

Hạn chế của các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế

Các chỉ tiêu đo lường mức tăng trưởng kinh tế được sử dụng làm thước đo mức độ phát triển nền kinh tế một cách cụ thể, dễ hiểu và nó trở thành mục tiêu phấn đấu của một quốc gia vì nó là tiêu chí để người dân đánh giá hiệu quả điều hành đất nước của chính phủ.

Nhưng tăng trưởng kinh tế không phản ảnh được chính xác phúc lợi của các nhóm dân cư khác nhau trong xã hội, chênh lệch giàu nghèo, giữa nông thôn và thành thị có thể tăng cao gây bất bình đẳng xã hội… Tăng trưởng có thể cao nhưng chất lượng cuộc sống có thể không tăng, môi trường có thể bị hủy hoại, tài nguyên bị khai thác quá mức, cạn kiệt, nguồn lực có thể sử dụng không hiệu quả, lãng phí…và để lại những hậu quả cho thế hệ mai sau. Đây có thể là mặt trái của tăng trưởng và cần chúng ta lưu tâm! 

Tham khảo thêm về Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 từ VTV 4

https://www.youtube.com/watch?v=aXw7ClXSXPY 

 –  ThaisonCoach.com – 

——————————

Nguồn tham khảo & trích dẫn:

https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C4%83ng_tr%C6%B0%E1%BB%9Fng_kinh_t%E1%BA%BF 

https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/kinh-te-viet-nam-2020-mot-nam-tang-truong-day-ban-linh/

https://topkinhdoanh.com/tang-truong-kinh-te-la-gi/ 

https://www.youtube.com/watch?v=aXw7ClXSXPY 

 

Nếu bạn cảm thấy có giá trị với ai đó, hãy chia sẻ cho nhiều người khác nhé! 

Kiến thức là để cho đi mà!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here