Như Tony có kể, có thời gian Tony đi bán bảo hiểm nhân thọ như là công việc thứ 2 vì lúc đó Tony cũng đang làm việc tại Caltex. Tất nhiên là tại Caltex không ai biết Tony có làm thêm công việc này. Tony cũng bị bệnh sĩ nên cũng không cho bạn bè biết luôn.
Bán bảo hiểm hay bất động sản, ô tô…thì cũng phải đều qua mấy bước cơ bản: Tìm kiếm khách hàng tiềm năng -> Gọi điện thiết lập cuộc hẹn -> Tư vấn chốt deal -> Chăm sóc hậu mãi.
Thời Tony bán bảo hiểm chưa có công cụ tìm kiếm qua các kênh trên mạng (digital) nên chủ yếu dựa vào việc kiếm danh sách số điện thoại rồi gọi. Nhiều khi một số điện thoại tiềm năng nào đó có trong tay của hàng trăm đại lý bảo hiểm. Thú thật mà nói, tội nghiệp cho khách hàng khi phải bị khủng bố bởi các tay “tư vấn bảo hiểm nhân thọ”. Do vậy, khách hàng nổi cáu khi nhấc điện thoại lên và nghe giới thiệu “dạ, em bên bảo hiểm nhân thọ…” là chuyện rất bình thường. Tony từng chứng kiến những đồng nghiệp mất ăn mất ngủ, thậm chí khóc tại chỗ khi bị khách hàng chửi nặng tay xíu… Tony cũng không thành công ở đoạn này vì cảm thấy bị ức chế, có chút mặc cảm… chưa kể là giọng vẫn còn chút quê mùa của miền Trung. Tóm lại đây là công đoạn mà Tony ngán nhất nhất!
Thế là Tony đến Phòng Tư Vấn Việc Làm của Trường ĐHKT tuyển 1 bạn nữ mới tốt nghiệp làm nhiệm vụ này thay cho Tony với mức lương 2 triệu (năm 2000). Cứ đến cuối ngày làm việc, Tony lại có được ít nhất 1 cuộc hẹn và cứ thế lên đường để thực hiện công đoạn tiếp theo: Tư vấn sản phẩm. Phần này thì Tony rất tự tin nhờ có duyên bán hàng. Và thường trước khi bắt đầu tư vấn, Tony hay nói khách hàng mời hết gia đình, thậm chí anh chị em hàng xóm qua để Tony làm luôn 1 lần cho tiện. Mỗi lần như vậy, Tony thường ký tối thiểu 2-5 hợp đồng. Đó cũng là lý do tại sao trong 1 tháng nỗ lực đua làm trưởng nhóm, Tony đã có thể ký được 48 cái Hợp đồng và chỉ làm việc vào buổi tối.
Trong hợp tác làm ăn cũng vậy, ngoài những tiêu chí liên quan đến đạo đức và giá trị sống, nhân sinh quan (gọi là hợp gu) thì còn phải xem liệu việc hợp tác này có bù đắp được sở đoản của từng người hay không. Nếu hai người hợp tác mà đều thuộc trường phái bay bổng, phóng khoán, lạc quan quá độ…thì chắc sẽ đầu tư hết tiền trước khi sống sót! Ngược lại nếu chỉ toàn dân tài chính rủ nhau khởi nghiệp, chắc ý tưởng chả có gì hay ho để có thể gọi là “đại dương xanh”.
Bài học của Tony:
- Không ai hoàn hảo, ai cũng có sở trường và sở đoản. Đừng cố chấp cho rằng mình đều giỏi mọi thứ, hay dở mọi thứ! Bản chất não trái (tư duy logic) mạnh thì não phải (hình ảnh, ngôn ngữ, nghệ thuật) yếu. Tai điếc thì mũi thính … Thử kiểm tra xem nhé.
- Đối với sở đoản, nếu muốn khắc phục thì phải nỗ lực rèn luyện vượt qua nhưng thường thì rất tốn sức, vì cái gì thuộc bản chất thì khó thay đổi. Nên tốt nhất là thuê hay hợp tác với người nào đó để bù đắp phần này.
Nếu bạn cảm thấy có giá trị với ai đó, hãy chia sẻ cho nhiều người khác nhé!
Kiến thức là để cho đi mà!